Cô bé 5 tuổi bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam Hoài Thương từng có câu hỏi ngô nghê như vậy với bố mẹ khi thấy mình không giống bạn bè.
Sinh ra từ mảnh đất khói lửa (Củ Chi, TP HCM), ngay từ khi lọt lòng do ảnh hưởng của chất độc da cam, Thương đã không được lành lặn như những đứa trẻ khác. Chính Thương cũng chưa thể cảm nhận hết những khiếm khuyết trên cơ thể của mình, nhưng ngày ngày cô bé vẫn đang khắc phục những khuyết điểm đó bằng cách tự học làm lấy tất cả công việc của bản thân.
5 tuổi mới mới bắt đầu tới trường, với đôi tay không lành lặn hàng ngày Hoài Thương chăm chỉ tập viết để có thể theo kịp bạn bè. Ảnh: Nguyễn Loan. |
14h chiều tại trường mầm non Rạng Đông, trong khi các bạn còn chưa xong giấc ngủ trưa thì ở góc khác, một mình Hoài Thương đang vật lộn với cuốn tập và cây bút. Nhưng cây bút chì không nghe theo bàn tay nhựa vừa được gắn vào, nó cứ đi từng đường nguệch ngoạc. Thương phải dùng cằm và cả cánh tay tỳ vào, nắn nót đưa từng nét chữ. Lâu lâu, cô bé lại dùng cánh tay còn lại đưa lên quyệt mồ hôi.
“Con thích viết" là câu giải thích ngắn gọn của em. Thương bị thiếu khuyết tay chân, từ lúc sinh ra lại phải theo mẹ rong ruổi khắp nơi để bán vé số. 5 tuổi Thương mới bắt đầu được đến trường. Để theo kịp bạn bè, cô bé đang ngày đêm hỳ hục tập tô, tập viết.
Để tập sống độc lập, mỗi sáng thức dậy, Thương tự mình đánh răng, súc miệng, tự làm lấy những công việc vệ sinh cá nhân, tự mình tắm rửa và mặc quần áo. Cô bé tự xúc cơm ăn còn nhanh nhẹn hơn cả một đứa trẻ bình thường khác. Chỉ những khi làm việc gì đó khó quá cô bé mới cầu cứu “Mẹ hỗ trợ con, mẹ hỗ trợ con”. Cũng thỉnh thoảng với tay lấy cái gì đó nhưng cao quá, hoặc việc gì khó quá không tự làm được Thương quay lại trách ba mẹ một cách hồn nhiên. “Con buồn ba mẹ quá, sinh con ra chẳng chịu trông con để chuột ăn mất chân tay, giờ con không được như bạn bè, làm cái gì cũng khó”.
Hỳ hục ghép từng chữ vào bảng chữ cái, mặc dù rất khó khăn nhưng Thương luôn muốn tự mình làm lấy mọi việc. Ảnh: Nguyễn Loan. |
“Khi mang thai, đi siêu âm nhiều lần nhưng không phát hiện, đến lúc sinh xong, nhìn thấy con mà chỉ muốn ngất lịm, không thể tin được đứa con mình sinh ra lại thiếu tay, thiếu chân”, chị Trần Thị Giang, mẹ bé Hoài Thương chia sẻ.
Thấy con cháu mình bị như vậy, anh em trong gia đình ai cũng khuyên chị nên vứt bỏ đi, giữ lại chỉ thêm khổ. “Nhưng nó là con của mình, dù có tật nguyền thì nó cũng là giọt máu mình mang nặng đẻ đau, làm sao mà vứt được”, chị Giang lặng lẽ đưa tay lau nước mắt.
Quyết định giữ lại con, thời gian đầu cả hai mẹ con bị gia đình, hàng xóm xa lánh, người ta cứ lời ra tiếng vào rằng do mình ăn ở không tử tế nên trời đày. Một tuổi, Thương đã rong ruổi khắp nơi cùng mẹ đi bán vé số. Hai tuổi, khi vừa biết nói Thương đã nhanh nhảu biết chào mời vé số giúp mẹ với sự ngây thơ trong trắng của một đứa trẻ và cười tít mắt mối khi được ai đó cho bánh kẹo. Nhiều người đã không ngại ngần mua hết cả xấp vé số ế cho hai mẹ con bởi sự lém lỉnh, đáng yêu của cô bé.
Từ đánh răng, tắm rửa, mặc áo quần hay ăn uống Hoài Thương đều muốn được tự mình làm lấy. Ảnh:Nguyễn Loan. |
Một ngày, sau khi đi học về, Thương dùng miệng tự cắp cặp vào nhà, nhanh nhảu chào mọi người, rồi kể tội các bạn “Mẹ ơi mấy bạn véo vào tay con. Các bạn không chơi với con, chúng nó bảo con không có tay, không có chân mẹ ạ”. Câu nói như nghìn mũi dao đâm vào trái tim người mẹ. Chị Giang ngồi lặng im, còn con bé tiếp tục lấy bảng chữ cái ra ghép hình.
Ba Thương làm công nhân, còn mẹ Thương cũng bỏ nghề bán vé số để lo cho con học hành. Nhưng sắp tới, khi con vào lớp 1, cả gia đình chưa biết phải cho con học ở đâu, vì những trường bình thường thì Thương không theo kịp, còn trường khuyết tật thì ở Củ Chi chỉ có trường dành cho trẻ em câm điếc.
Thương chẳng hề biết nỗi lo của cha mẹ, cũng rất ít khi nghĩ đến sự khiếm khuyết cơ thể của mình. Ở một góc phòng, cô bé vẫn hỳ hụi tập viết với mong ước sẽ được đến trường như các bạn cùng trang lứa.
Ngọc Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét